Lịch sử Phim cổ trang Việt Nam

Ngày 19 tháng 12 năm 1916, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định liên quan tới việc sử dụng điện ảnh làm phương tiện tuyên truyền cho nước Pháp và thành lập Ban điện ảnh (Mission Cinématographique) trực thuộc Văn phòng phủ Toàn quyền. Đây được xem là dấu mốc mở đầu cho sự xuất hiện của điện ảnh trên lãnh thổ Đông Dương.[1]

Ngày 11 tháng 9 năm 1923, Hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma - IFEC) do người Pháp thành lập ở Hà Nội. Hãng IFEC sau đó đã sản xuất bộ phim cổ trang Kim Vân Kiều dựa trên bản dịch tiếng Pháp Truyện Kiều (bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh). Kim Vân Kiều do E.A. Famechon làm chủ nhiệm, Thierry làm đạo diễn (có tài liệu ghi Famechon làm đạo diễn), bắt đầu quay từ tháng 6 năm 1923 tại Hà Nội. Kim Vân Kiều được chiếu tại Hà Nội ngày 14 tháng 3 năm 1924, và Sài Gòn vào ngày 19 tháng 9. Kim Vân Kiều được một số báo chí như Hữu Thanh, Trung Văn khen ngợi nhưng lại thất bại phòng vé. Nguyên nhân thất bại của Kim Vân Kiều được cho là vì "không có gì khác so với vở diễn sân khấu" và "bị dư luận lên án là xuyên tạc tác phẩm của Nguyễn Du". Tuy vậy, Kim Vân Kiều vẫn được xem là bộ phim đầu tiên của điện ảnh thuộc địa Đông Dương cũng như lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Sau thất bại của Kim Vân Kiều, IFEC có làm một số bộ phim tài liệu khác cho đến năm 1927 thì ra mắt bộ phim cổ trang tiếp theo là Bà Đế (còn mang tên là Huyền thoại Bà Đế hay Truyền thuyết Bà Đế). Bà Đế do Paul Numier viết kịch bản và Georges Spacht làm đạo diễn. Cốt truyện dựa theo sự tích về nhân vật Bà Đế. Vai chính của phim do Léonor Gilles, một cô gái Pháp lai Việt thủ vai. Các diễn viên phụ đa số là người Việt. Bộ phim bị thua lỗ nặng nề và khiến IFEC từ bỏ việc sản xuất phim.[2][3]

Sau sự thất bại của Hãng IFEC và hãng phim Hương Ký, điện ảnh Việt Nam gần như bị đóng băng. Năm 1937, xuất hiện nhóm làm phim của Đàm Quang Thiện (bút danh Nguyễn Văn Nam). Nhóm đã ký kết hợp đồng với chủ rạp người Hoa là Pei Song King (đại diện cho Hãng Nàm Duỵt - The South China motion picture Co) để thực hiện bộ phim Cánh đồng ma. Bộ phim quay ở Hồng Kông. Nhóm làm phim sau đó tan rã vì bị chèn ép.

Sau Cách mạng tháng Tám, điện ảnh Việt Nam mới chính thức trở lại với một số bộ phim tài liệu chiến tranh ở các chiến khu cũng như một số bộ phim tâm lý-tình cảm tại khu vực Pháp tạm chiếm.[4] Năm 1953, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam.[5] Năm 1954, sau Hiệp định Geneve, Việt Nam bị tạm chia cắt.

Tại miền Nam, sau những bộ phim tuyên truyền chống miền Bắc, năm 1957, Hãng Tân Việt Điện ảnh đầu tư bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ do Lê Dân làm đạo diễn. Hồi chuông Thiên Mụ được chuyển thể từ tiểu thuyết Tiếng chuông Thiên Mụ của Phan Trần Chúc, lấy bối cảnh thời Tự Đức. Cùng năm, Hãng phim Mỹ Vân tiến hành dự án phim cổ trang Người đẹp Bình Dương. Kịch bản bộ phim dựa trên truyện dân gian Trung Quốc. Phim do Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) đạo diễn được công chiếu vào năm 1958.[6] Năm 1960, Hãng phim Mỹ Vân lại tiếp tục làm một bộ phim cổ trang về đề tài tôn giáo là Áo dòng đẫm máu, cũng do Năm Châu đạo diễn, nội dung phim nói về cuộc đời của Philípphê Phan Văn Minh.[7] Sau đó phim cổ trang lại thất thế trong trào lưu phim tâm lý-tình cảm, hài,...

Tại miền Bắc, điện ảnh tập trung vào phim tài liệu và tâm lý, chiến tranh, cổ vũ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phim cổ trang được sản xuất trong thời gian này như Nghêu, Sò, Ốc, Hến của đạo diễn Bắc Xuyên và Trúc Lâm vào năm 1967 hay Trần Quốc Toản ra quân của đạo diễn Bạch Diệp năm 1971 nhưng đều là những bộ phim chuyển thể từ các vở chèo và mang nặng tính sân khấu.[8][9]

Sau thống nhất, dòng phim cổ trang dần đi vào quên lãng. Cho đến sau Đổi mới, dòng phim cổ trang mới chính thức trở lại điện ảnh Việt Nam với hai bộ phim Thằng Bờm của đạo diễn Lê Đức TiếnHoàng Hoa Thám của đạo diễn Trần Phương (gồm hai tập Thủ lĩnh áo nâu và Lửa cháy đường chân trời) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất vào năm 1987. Hai năm sau, 1989, Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục cho ra mắt bộ phim Đêm hội Long Trì và phần tiếp theo Kiếp phù du. Cho đến nay, Đêm hội Long Trì vẫn được xem là tác phẩm kinh điển không chỉ riêng với dòng phim cổ trang mà cả nền điện ảnh Việt Nam.[10]

Cùng năm 1989, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn thực hiện xóa bỏ bao cấp và chuyển cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước, kéo theo sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân.[11] Các bộ phim thương mại, hay phim mì ăn liền được sản xuất ồ ạt, trong đó không thiếu những bộ phim cổ trang và những bộ phim lấy đề tài lịch sử. Trong đó nổi bật nhất là các phim Phạm Công - Cúc Hoa (1989), Tây Sơn hiệp khách (1990), Thăng Long đệ nhất kiếm (1990),...

Mặt khác, để phục vụ các khán giả nhỏ tuổi, Xưởng phim thiếu nhi của Hãng phim truyện Việt Nam đã sản xuất một số bộ phim chuyển thể từ truyện cổ tích để phục vụ đối tượng này, như Học trò Thủy thần của đạo diễn Khánh Dư (1990), Truyền thuyết tình yêu Thần Nước của đạo diễn Hà Sơn (1991), Dã tràng xe cát biển Đông của đạo diễn Khánh Dư (1995),...

Bước sang đầu những năm 2000, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh liên tục sản xuất và cho ra mắt nhiều bộ phim truyền hình lịch sử như Trùng Quang tâm sử, Chúa tàu Kim Quy, Lục Vân Tiên, Ngọn nến Hoàng cung,... Trong đó, bộ phim Ngọn nến hoàng cung được đánh giành được nhiều đánh giá tích cực.[12][13][14]

Năm 2008, chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia để chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hưởng ứng Đại lễ, nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh đã được gấp rút đầu tư như Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, Thái Tổ Lý Công Uẩn, Huyền sử thiên đô,..., Về đất Thăng Long, Khát vọng Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt, Long thành cầm giả ca,... Đại đa số các tác phẩm đều có bối cảnh xoay quanh những sự kiện lịch sử gắn với Thủ đô Hà Nội, ngoại lệ hiếm hoi là Lều chõng. Đại lễ là dấu mốc mở ra một giai đoạn mới cho thể loại cổ trang.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phim cổ trang Việt Nam http://www.phimconggiao.com/ao-dong-dam-mau/ http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/diem-phi... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://baophapluat.vn/noi-bat-tren-bao-in/khi-bao-... http://baovanhoa.vn/giai-tri/%C4%91ien-anh/artmid/...